Những quy định mới về công tác văn thư được quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ
Công tác văn thư được quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP bao gồm: Soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư.
Theo đó, Nghị định quy định rõ khi ký ban hành văn bản hành chính bằng giấy thì phải dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai (Trong khi đó, trước đây Nghị định 110/2004/NĐ-CP chỉ quy định khi ký không được dùng bút chì, không dùng mực đỏ hoặc mực dễ phai, dẫn đến người ký văn bản có thể dùng mực đen…).
Về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy. Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, kèm với Nghị định số 30/2020/NĐ-CP là các phụ lục hướng dẫn cụ thể về: Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản; viết hoa trong văn bản hành chính; bảng chữ viết tắt tên loại, mẫu trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản; mẫu về quản lý văn bản; lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; hệ thống quản lý tài liệu điện tử.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi quy định về các loại văn bản hành chính, cụ thể bỏ các loại văn bản sau khỏi danh sách các loại văn bản hành chính: bản cam kết, giấy chứng nhận, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ.
Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Đồng thời, thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ./.
Mời xem chi tiết Nghị định số 30/2020/NĐ-CP TẠI ĐÂY